Có lẽ cái tên cá cầu vồng không còn xa lạ với hầu hết tất cả anh em chơi cá cảnh, chúng là loài cá đẹp, cùng với giá thành khá rẻ và có thể mua ở hầu hết tất cả các cửa hàng Aqua. Với cái tên rất trực quan của mình thì có lẽ kể cả những ai chưa từng nuôi cũng có thể hình dung ra màu sắc của loài cá này. Hôm nay mình sẽ giới thiệu đến các bạn 1 số kiến thức về cách chăm sóc cá cầu vồng cho những anh em chưa biết và cả những anh em đang nuôi nữa nhé.
Nguồn gốc và đặc điểm của cá cầu vồng
Cá cầu vồng có tên khoa học Melanotaeniidae, là một họ cá trong bộ cá Atheriniformes. Hiện nay chúng là một trong các loài cá cảnh phổ biến nhất hiện nay. Chúng có hình như một con diều, phần đầu nhọn, phần thân có vảy nhiều màu trải dài trên các dải màu khác nhau như màu của cầu vồng, chính vì thế chúng được gọi là cá cầu vồng.
Vảy của chúng được xếp hàng hàng lớp lớp đều nhau và thường có một vệt màu đen kéo dài từ đầu mõm tới đuôi cá hoặc vệt đen chia dọc thân. Vây trên kéo dài từ giữa lưng tới đuôi, hơn nữa vây lưng còn chia làm hai phần, một phần nhỏ và ngắn xếp trước, phần sau kéo dài. Vây bụng kéo dài từ phần khoang bụng tới đuôi, vây trên và vây bụng của chúng thường đều nhau và có màu rất đều và đẹp. Đây là đặc điểm của các dòng phổ biến tại Việt Nam, ngoài ra cá cầu vồng còn rất nhiều dòng với nhiều đặc điểm khác nhau rất lạ mắt, tuy nhiên chúng khá hiếm xuất hiện tại các cửa hàng Aqua của Việt Nam.
Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu một số dòng cá cầu vồng xem chúng đa dạng về hình thái như thế nào nhé:
Một số dòng cá cầu vồng phổ biến nhất hiện nay
Cá cầu vồng Trifasciata
Cá Cầu Vồng Trifas là dòng cá cầu vồng đẹp nhất theo ý kiến của cá nhân mình và rất nhiều người nuôi cá tại Việt Nam, chúng thường có chiều dài khoảng 5 đến 12cm tuỳ theo mật độ nuôi và nguồn thức ăn cũng như cách chăm sóc của người nuôi và giống. Chúng đặc trưng với vẻ ngoài sặc sỡ nhiều màu sắc tựa đúng như cầu vồng. Như các bạn có thể thấy phần thân của chúng óng ánh ánh kim màu sắc rất đẹp, phân vây lưng và vây đuôi có màu đỏ phân đều, trải dài, phần đuôi cũng có màu đỏ, tạo cho chúng như những lá cờ đuôi nheo.
Chúng là dòng cá rất hoạt bát và ưa bơi lội nên kích thước bể tốt nhất cho cá Cầu Vồng Trifas là từ 633 trở lên để cá có thể thoải mái bơi. Dòng cá này là dòng cá bơi theo đàn, nên cần không gian bể đủ rộng và có nhiều cây cối để chúng có thể bơi lội và trú ẩn. Độ PH tốt nhất nên từ 6.5 – 9.5, nhiệt độ thích hợp từ 23 đến 28 độ C.
Chúng có thể ăn các loại thức ăn cỡ nhỏ hoặc trung bình dạng viên hoặc các loại thức ăn sống và thức ăn khô. Chúng có thể sống hoà hợp với các loài cá nhỏ khác, không nên nuôi chung chúng với các loài cá lớn và dữ.
Thạch mỹ nhân ( Boesemani )
Cá cầu vồng Boeseman là một loài cá thuộc họ Melanotaeniidae. Nó là loài đặc hữu ở hồ Ayamaru và các nhánh của chúng trong một khu vực miền núi của bán đảo Kepala Burung, Tây Papua, Indonesia. Chúng có thể đạt được chiều dài khoảng 8 – 10cm khi đến tuổi trưởng thành.
Chúng thường có một vạch ngăn màu dọc từ đầu vây lưng trên xuống vây bụng. Các con đực thường có màu sắc đậm hơn các con cái. Chúng có màu trải dài theo chiều dọc cơ thể chứ không phải theo chiều ngang. Chúng có điều kiện sống tốt nhất giống như dòng Trifas tuy nhiên chúng lại được ưa chuộng hơn vì tính phổ biến và dễ nuôi hơn Trifas cũng như giá thành rẻ hơn.
Cầu vồng xanh ( Praecox )
Praecox có xuất xứ từ vùng phía tây Papua ở Indonesia. Chúng đặc trưng bởi màu xanh, màu xanh của chúng không đặc một màu nào cả mà cũng trải dài trong khoảng màu từ xanh nhạt tới màu xanh lá pha xanh nước biển. Như Trifas, chúng cũng có một vệt màu đen kéo dài từ đầu tới đuôi ngăn đuôi cơ thể.
Đối với dòng này thì độ PH tốt nhất từ 6.8 – 8.0, nhiệt độ sinh trưởng tốt nhất là từ 23 – 28 độ C. Chúng cũng bơi theo đàn và cần không gian bể lớn để bơi lội, tuy nhiên đèn sử dụng cho chúng nên là xanh trắng để làm nổi bật nên màu thân của chúng.
Cầu vồng táo đỏ (Glossolepis Incisus)
Chúng là loài cá phân bố ở hồ Sentani ở Irian Jaya, Indonesia. Hiện dòng cá này ngoài tự nhiên có nguy cơ cạn kiệt do bị khai thác quá mức cho nhu cầu của thị trường chơi cá cảnh.
Cũng giống như cầu vồng xanh, cầu vồng táo đỏ đặc trưng bởi màu đỏ phủ khắp toàn thân, chúng không có màu sắc sặc sỡ và không có ánh kim trên thân như các dòng cá bên trên. Chúng cũng không hề có vệt đen chia tách ở giữa thân nào cả.
Cá cầu vồng táo đỏ thường thích sống trong vùng nước có thảm thực vật phát. Chúng cũng bơi và kiếm ăn theo đàn nên nuôi thành 5 – 10 con trên 1 bể tối thiểu 644.
Là dòng cá ăn tạp nên chúng có thể ăn cả thức ăn tươi như bobo, trùn chỉ và thức ăn khô như thức ăn cá cảnh cám cá, ..
Cầu vồng nắng vàng (Pseudomugil furcatus)
Cầu vồng nắng vàng là dòng cá cầu vồng rất đặc biệt, chúng có vẻ ngoài khá khác với những loài cá thông dụng hiện nay ở Việt Nam. Chúng có vẻ ngoài nhỏ như cá bống vàng, toàn thân là màu vàng đen đặc trưng, tuy nhiên vây lưng của chúng có tới tận 3 cái, một cái phần đầu như vó ngựa, phần đuôi chia là 3 phần, 2 phần ngoài màu vàng và giữa màu đen, tay bơi bụng của chúng cũng to hơn so với các phần cơ thể hơn các dòng cá trên.
Pseudomugil furcatus là một dòng cá thuộc họ Pseudomugilidae. Nó là dòng cá xuất xứ từ Papua New Guinea. Chúng thuộc họ cá mắt xanh – Pseudomugilidae và có thể đạt được kích thước dài khoảng 6cm, cá đực màu sắc đậm hơn, vây dài hơn. Độ PH tốt nhất từ 6.8 đên 8.5 và nhiệt độ tốt nhất từ 23 đến 27 độ C.
Loài cá này thích sống trong môi trường có dòng chạy nhẹ, nhiều cây thủy sinh và nhiều đá ở phần dưới đáy bể. Chúng cũng là dòng cá ăn tạp, có thể dùng các dòng thức ăn cám và thức ăn tươi, các loại thức ăn đông lạnh hoặc đơn giản là cám cá.
Tổng kết
Trên đây là giới thiệu về một số dòng cá cầu vồng phổ biến nhất hiện nay, quả không ngoa là dòng cá được ưa chuộng hàng đầu tại các cửa hàng Aqua. Cũng giống như các dòng cá bơi theo đàn khác, với vẻ ngoài sặc sỡ của mình thì việc sở 1 đàn cá cầu vồng chắc chắn sẽ làm cho bể thuỷ sinh của bạn thêm sinh động. Cảm ơn tất cả mọi người đã theo dõi bài viết và hẹn gặp lại nhé.